Trong cuộc sống hàng ngày, có lẽ chẳng ai xa lạ với những củ khoai tây, chanh, táo… Chúng là những thức phẩm cực kì bổ dưỡng cho đời sống con người. Tuy nhiên, có một công dụng khác của chúng mà không phải ai cũng biết: trong khoa học, chúng có thể trở thành những cục pin dùng cho đồng hồ, đèn bàn, đèn ngủ…
Hiểu một cách đơn giản, pin khoai tây có cấu tạo giống hệt pin điện hóa mà chúng ta đã được học thời phổ thông. Cấu tạo của nó gồm có hai dây dẫn làm bằng hai kim loại khác nhau – hai điện cực, một đầu được cắm vào củ khoai tây – môi trường điện phân, đầu còn lại gắn vào thiết bị điện. Do dòng điện không lớn, nên pin kiểu này phù hợp với các loại bóng đèn nhỏ, công suất thấp như đèn LED, đèn ngủ…
Cơ chế hoạt động của pin rất đơn giản: trong khoai tây chứa các chất muối, axit hữu cơ. Chúng cung cấp môi trường và khi có hai dây dẫn nối vào, phản ứng hóa học xảy ra, tạo dòng điện làm cho đồ dùng điện hoạt động. Một viên pin khoai tây “xịn” có thể dùng trong vài ngày. Nếu liên kết nhiều viên lại, thời gian sử dụng sẽ lâu hơn, có khi tới vài tuần.
Một thông tin thú vị khác là khoai tây luộc chín sẽ dùng làm pin tốt hơn so với khoai tây sống tới 10 lần. Vì khi luộc chín, sự giảm điện trở cầu muối bên trong khoai có cơ chế tương tự như công nghệ tối ưu hóa pin thông thường trong công nghiệp.