Bộ 8 cuốn truyện Mùa Mở Cửa

800.000 

“Một ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC chắc chắn phải là một ĐỨA TRẺ TỰ DO. Hồi mới ra bộ Hơi Thở Đồng Xanh, có một bạn nhỏ đã xếp sách Kẹp thành cây thông Noel và gọi nó là “ngôi nhà chân gà Baba Yaga”. Cây thông sách có thấy nhiều rồi, nhưng tưởng tượng cây thông thành ngôi nhà chân gà trong truyện cổ tích thì thật là phiêu lưu hết sức. Lúc ấy, chúng tôi nhận ra rằng không thể có giới hạn nào cho trí tưởng tượng của một đứa trẻ, và khi trẻ tưởng tượng thì trẻ sẽ tự do. Chẳng ai cầm tù được trí tưởng tượng cả.

Mùa Mở Cửa ra đời ngẫu nhiên như thế, phóng túng hệt một đứa trẻ tự do. Chủ đề rộng mở, đề tài đa dạng, bao quát cả thế giới loài vật và cuộc sống con người; truyện ngắn cũng có mà tiểu thuyết cũng có, lại có thêm cả một truyện thư từ-nhật kí nữa.

Trọn bộ Mùa mở cửa mở rộng gồm 8 cuốn:

  1. Mùa Hè Cái Đê
  2. Ông Bố Chân Dài
  3. Chiri 1
  4. Chiri 2
  5. Chum
  6. David – cây vĩ cầm biết nói
  7. Con Gấu Tưởng Minh Là Con Chó
  8. Trên Cây

Nếu có gợi ý, thì nên là Ông Bố Chân Dài cho các bạn mạnh mẽ sôi nổi, Mùa Hè Cái Đê cho các bạn nhẹ nhàng nữ tính. Fans yêu động vật thì có Chiri 1, Chiri 2, Chum, Con Gấu Tưởng Mình Là Chó và Trên Cây; thích nghệ thuật thì có Cây Vĩ Cầm.

Ví như Mùa Hè Cái Đê chẳng hạn, nghe cứ như là một lời rủ rê vào hè, nhưng thực ra lại là tên gọi của một mùa hè đặc biệt. Mùa hè ấy, cô nhỏ Garnet nhặt được cái đê tay, rồi sau đó thì những chuyện bất ngờ hết lần này đến lần khác đổ ập xuống. Một tập truyện nhẹ nhõm như hơi thở, kể về những niềm hạnh phúc nhỏ bé và đơn giản của cuộc sống thường nhật, trong vắt đi.

Cũng tự do nhưng Ông Bố Chân Dài lại là một hành trình tự do mãnh liệt. Cô gái thứ hai này khác cô nhỏ Garnet ở chỗ tính tình. Là một người sôi nổi, nên Judy cảm nhận đời sống cũng sôi nổi theo. Qua con mắt lém lỉnh của cô, cuộc sống nội trú của một nữ sinh sắc màu hẳn lên, đến mức những điều nhỏ nhặt nhất cũng có cơ hội trở thành biến cố. Vốn dĩ thể loại thư từ – nhật kí không phải là con đường dễ đi đối với trẻ em, luyện đọc cho trẻ mà chọn thể này thì có vẻ mạo hiểm. Nhưng rốt cục lại, không thể ngờ được tác giả lại xử lí khéo đến thế, cuốn truyện trở thành một món quà đẹp đẽ và hóm hỉnh vô cùng.

“Ông bố chân dài” – “Daddy – Long- Legs” để lại ngôn từ quá hay và thấm:

– Bố ạ, con nghĩ rằng năng lực quan trọng nhất của con người là trí tưởng tượng điều đó giúp chúng ta có thể đặt mình vào vị trí người khác nó khiến ta tử tế hơn, cảm thông hơn và thấu hiểu người khác hơn. Năng lực này cần được bồi đắp ngay từ khi ta còn nhỏ.

– Con mới phát hiện ra bí mật của hạnh phúc. Nó không cứ phải là những gì to tát, lớn lao, mà chỉ cần gom góp những điều nhỏ nhặt. Đó cũng là đừng hối tiếc những gì đã xảy ra, không quá kỳ vọng vào tương lai, mà chỉ sống cho hiện tại, trân quý hiện tại. Nếu quý cuộc sống như làm nông nghiệp, có thâm canh, có quảng canh, thì con chọn thâm canh. Như vậy, con sẽ tận hưởng được từng giây của cuộc sống, và nhắc mình đang có diễm phúc tận hưởng nó.
Con thấy nhiều người không phải đang sống mà phải là chạy đua. Họ gồng lên, Gắng sức, mù quáng đuổi theo những mục tiêu xa tít tắp, tới mức ngột thở đứt hơi, để rồi bỏ lỡ những điều đẹp đẽ xung quanh. Người ta mãi miết với những cuộc đua tranh giành giật ấy, cho đến một ngày chợt nhận ra mình đã già đi, và tả tơi“.
Vậy là không hẹn mà gặp, 2 cuốn này trở thành một cặp xinh xẻo, đắp đổi qua lại nhau. Tôi thích tình tiết bất ngờ ở Ông Bố Chân Dài, và thích vô cùng giọng văn trong vắt của Mùa Hè Cái Đê.
2 cuốn truyện ngắn Con Gấu Tưởng Mình Là Chó và Trên Cây cùng một tác giả. Tôi nghĩ nó dễ đọc nhất trong bộ này, vì cả 2 đều có cấu trúc tự do và dung lượng mỗi tiểu truyện khá ngắn. Nó là dạng sách tiện dụng, dùng lúc nào cũng được, có bỏ lửng hay nhảy cóc cũng không bị ngắt quãng. Tuổi đọc thì nhỏ hơn 2 cuốn trên, các bé tầm lớp 3 trở lên là dễ dàng hiểu được rồi.
Chum là một tác phẩm của Terhune. Đã lâu rồi chúng tôi mới quay trở lại với Terhune – tác giả đã làm mưa làm gió với series truyện chó thời đầu của Kẹp. Đọc Terhune thì yên tâm, an toàn và lành tính, kiểu tác giả có bảo chứng về dòng sách thiếu nhi.
Nếu như Chiri 1 tập trung vào con chó Chiri thì nhân vật chính của Chiri 2 lại là người chủ chó – Link. Jim Kjelgaard là kiểu tác giả không thể đoán được, trục tham chiếu của tình tiết đột ngột xoay sang Link, xung đột cũng đảo chiều, Link từ một kẻ bên lề đã trở thành người dẫn dắt, đi vào trung tâm của tác phẩm. Hành trình cận tử trên dãy Caribous huyền thoại đã ghi dấu anh trên bản đồ chiếm lĩnh tự nhiên.
Chiri 2 là tự do của hoang dã, nó thấp thoáng bóng dáng của Bobby Đi Hoang, có điều điểm nhìn của nhân vật chính thì trái ngược nhau. Hành trình của Jamie trong Bobby là hành trình bị nạn, còn hành trình của Link là hành trình cứu nạn. Tôi vẫn mê mẩn Bobby bởi thứ tình cảm của con chó với ông chủ bị nạn, thứ tình cảm cảm động rất Terhune. Nhưng ở Chiri 2 thì lại hoàn toàn khác, Jim Kjelgaard không bao giờ để cửa cho người đọc đoán trước được điều gì. Hệ thống tình tiết phát triển không ngờ, khiến cho cuộc cứu nạn của Link và Chiri hệt như một cuộc viễn chinh bí ẩn, vừa phải tìm kiếm một mục tiêu vô hình, vừa phải chiến đấu với nhiều mục tiêu cũng vô hình nốt. Cuốn này khuyến nghị bạn bé cũng nên đọc, văn chương của nó, trời ơi, phóng khoáng và mê đắm!
Cuối cùng là cuốn David – Cây Vĩ Cầm Biết Nói- cuốn truyện đẹp, theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, là một bức tranh đầy đủ màu sắc và âm thanh. Nó cặp với Nello thành một bộ hội hoạ – âm nhạc, Nello thì bi tráng còn David thì hồn hậu, trong trẻo. Cũng vì tính cổ tích các bạn bé cấp 1 đọc ngon lành. Cụ nào đã đọc series tủ sách danh nhân hồi 1980s thì sẽ thích cuốn này đấy.

Sự phóng túng của tưởng tượng luôn có tính vô biên, và ngôn ngữ là con đường hình thành nên tưởng tượng. Mùa Mở Cửa chính là Mùa Tưởng Tượng, Mùa Tự Do”.
Dịch giả: Vũ Danh Tuấn, Đặng Việt Vân Hà.

DMCA.com Protection Status